Trong khi đó, quy định hiện hành đều cho phép các tuyến cao tốc từ chối phục vụ với xe quá tải.
Vì sao tồn tại tình trạng này? Giải pháp nào để ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng xe chở quá tải ngang nhiên hoạt động?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đầu tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ VN đã phối hợp với Đội CSGT số 3, Cục CSGT kiểm tra xe quá tải trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, đoàn công tác đã phát hiện 4 xe có dấu hiệu chở quá tải, trong đó có 2 xe của Công ty TNHH Xuân Trường (địa chỉ tại xã Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam) nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy, cả 2 xe đều quá tải từ 10%. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt 2 phương tiện với số tiền phạt gần 7 triệu đồng.
Đánh giá tình trạng xe chở quá tải trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sau thời điểm giãn cách xã hội, xe quá tải có dấu hiệu gia tăng trở lại. Nếu như trước đây, tỷ lệ xe quá tải được phát hiện, xử lý chỉ chiếm dưới 10%, thì hiện tỷ lệ này đã tăng trên 10%:
"Chúng tôi đã chỉ đạo các Cục, thanh tra các Sở thực hiện quay ghi hình bằng camera, và xử lý sau phạt nguội, kể cả kích thước thùng hàng và xe quá tải. Khi anh quay được hình ảnh thì sau khi 15 ngày mà anh không đến thực hiện nộp phạt thì toàn bộ dữ liệu đó sẽ chuyển cho các trung tâm đăng kiểm, anh phải nộp phạt, sau đó mới thực hiện đăng kiểm".
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ VN cũng cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, các lực lượng chức năng thanh tra giao thông đường bộ các cấp sử dụng cân lưu động, cân xách tay kiểm tra hơn 3.300 xe, phát hiện 335 xe vi phạm (chiếm hơn 10%).
Theo Tổng cục Đường bộ VN, ngoài cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, nhiều tuyến như Quốc lộ 70; Quốc lộ 17B; Quốc lộ 1, Quốc lộ 14B… cũng bị xe quá tải tàn phá, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ.
Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, dù chưa thể thống kê chính xác, song ước tính trong số khoảng 5.000 xe tải từ 4 tấn đến xe container 40 feet mỗi ngày, có khoảng 400-500 xe quá tải lưu thông trên tuyến:
"Thứ nhất có thể gây mất an toàn giao thông, an toàn lao động, có thể gây ra tình trạng mất phanh, nổ lốp, mất lái. Còn đối với kết cấu hạ tầng thì tình trạng xe chở quá tải có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng mặt đường, cũng như kết cấu các cầu trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ".
Tương tự, trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã phát hiện và từ chối phục vụ hơn 36.500 xe quá tải.
Ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam thừa nhận, dù các tuyến cao tốc do VEC đầu tư và khai thác đều có trạm kiểm soát tải trọng xe, song có thời điểm, trạm cân bị hư hỏng nên chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn xe quá tải:
"Đối với các tuyến cao tốc do VEC đầu tư và khai thác thì lưu lượng xe rất lớn, đặc biệt là phương tiện có tải trọng lớn như là Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ- Ninh Bình, TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, tần suất hoạt động của cân tương đối cao, do đó thi thoảng cũng xảy ra trường hợp cân bị hư hỏng".
Ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ VN cũng cho hay, không chỉ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, mà một số tuyến cao tốc, Quốc lộ hiện chưa thực hiện tốt việc kiểm soát tải trọng xe, đặc biệt là chưa phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn hiệu quả xe quá tải:
"Việc bảo vệ đường mà để đường hỏng thì lại mất tiền, mà mất tiền lại kéo dài thu phí. Nó là tiền của dân, tiền của phương tiện. Hiện nay chỉ Vidifi là làm tốt, mặc dù hệ thống cân không phải hoàn hảo nhưng người ta vẫn có cách nọ cách kia, bố trí thêm người quản lý tốt cho nên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng xe quá tải không vào được, chất lượng đường tốt".
Từ thực tế này, một số ý kiến cho rằng, cần có cơ chế ràng buộc đối với cả đơn vị quản lý khai thác cao tốc và các trạm thu phí BOT cần đảm bảo trạng thái hoạt động tốt của hệ thống cân tải trọng, nếu cân tải trọng không có hoặc không hoạt động, có thể yêu cầu dừng thu phí hoặc không được đưa vào khai thác.
Tình trạng xe quá tải vẫn đang là vấn nạn của xã hội. Mọi cố gắng để xây dựng, duy tu sửa chữa cầu đường sẽ chẳng có ý nghĩa nếu không chấm dứt được tình trạng quá tải. Trong cuộc chiến này, không thể chỉ trông chờ sức người, càng không thể chỉ trông chờ lực lượng chức năng, mà các nhà đầu tư cũng cần coi đó là quyền lợi, là trách nhiệm để tham gia ngăn chặn xe quá tải
Góc nhìn này của VOV Giao thông: Khó ngăn xe quá tải nếu chỉ trông chờ sức người
Sau 3 tháng thí điểm, trạm kiểm tra tải trọng xe tự động do Nhật Bản tài trợ, lắp đặt chính thức hoạt động tại Quốc lộ 5, chiều từ Hải Phòng về Hà Nội, số xe vi phạm tải trọng giảm 46 lần, từ 6,9% xuống còn 0,15%; số xe vi phạm theo ngày bình quân 176 xe/ngày xuống còn 4,2 xe/ngày (giảm 42 lần).
Còn trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai, sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, với 110 camera giám sát trên toàn tuyến, hệ thống đã tự động phát hiện phương tiện vi phạm, cảnh báo đến lực lượng chức năng, qua đó đã xử phạt hơn 1.200 trường hợp vi phạm TTATGT.
Những ví dụ trên cho thấy, bằng hệ thống công nghệ tự động, toàn bộ vi phạm của các phương tiện đều được giám sát và nắm bắt, qua đó có biện pháp xử lý hiệu quả mà không cần sự có mặt của con người. Người tham gia giao thông khi biết có hệ thống giám sát, khi biết chắc hành vi vi phạm sẽ bị phát hiện và xử lý, họ sẽ tự động chấp hành.
Trở lại câu chuyện xe quá tải đang bùng phát trở lại, nhiều năm nay, dù lực lượng Thanh tra giao thông từ trung ương đến địa phương căng sức hoạt động, nhưng tỷ lệ phương tiện vi phạm bị phát hiện vẫn dao động khoảng 10%.
Theo Tổng cục Đường bộ VN, không chỉ các tuyến đường tỉnh, đường địa phương, mà ngay cả nhiều tuyến Quốc lộ, cao tốc, xe quá tải vẫn tồn tại và ngang nhiên hoạt động, đặc biệt là các tuyến đường dẫn vào các mỏ vật liệu, các khu vực có công trình thi công.
Theo quy định tại Thông tư 90/2014 của Bộ GTVT, các đơn vị quản lý, khai thác cao tốc phải kiểm tra tải trọng xe trên đường cao tốc bằng thiết bị cân chuyên dùng. Kết quả này ngoài việc giúp đơn vị quản lý, khai thác cao tốc từ chối phục vụ với những xe chở quá tải, mà còn là cơ sở để các lực lượng chức năng phạt nguội.
Tuy vậy, đến thời điểm này, nhiều tuyến cao tốc hoặc là chưa có hệ thống cân tải trọng (như tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ), hoặc là có nhưng liên tục hư hỏng, không có tác dụng (như tuyến Nội Bài – Lào Cai, TP. HCM – Long Thành- Dầu Giây).
Hệ quả là ngăn chặn để bảo vệ tài sản của mình đã khó, chưa nói tới việc phối hợp cơ quan chức năng xử lý để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông khác.
Các tuyến cao tốc đã vậy, nhiều tuyến Quốc lộ có đặt trạm thu phí BOT cũng chẳng khác là bao. Từ năm 2015 đến nay, rất nhiều trạm thu phí đã tích hợp cân tải trọng và những trạm cân này đã ghi nhận được số lượng lớn xe quá tải chạy qua.
Tuy nhiên, một phần là do cơ chế phối hợp để xử lý, xử phạt rườm rà, một phần là do sau 6-7 năm đi vào hoạt động, nhiều hệ thống cân bị hư hỏng, không được sửa chữa, khắc phục kịp thời cũng không còn nhiều giá trị trong việc phát hiện xe quá tải.
Thêm vào đó có các nhà đầu tư cũng muốn thu phí nên vẫn chưa thực sự sử dụng hệ thống cân như một công cụ ngăn chặn xe quá tải.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý xe quá tải chưa hiệu quả là do vẫn chủ yếu dựa vào sức người. Trong khi đó, việc sử dụng công nghệ tự động không những giảm áp lực cho các lực lượng thực thi công vụ, mà còn làm tăng tính minh bạch trong việc xử lý, khi hoàn toàn không có sự hiện diện hay can thiệp của con người lại chưa được sử dụng một cách hiệu quả.
Đề án nhân rộng hệ thống cân tự động như trên Quốc lộ 5 vẫn giậm chân tại chỗ, những kế hoạch xử lý xe quá tải không có gì thay đổi, rất khó để khẳng định xe quá tải không tiếp tục tái diễn.
Đó là chưa kể, dịp cuối năm nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, trong năm mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid, không loại trừ khả năng doanh nghiệp vận tải sẽ phải tận dụng tối đa hiệu suất của phương tiện để chở quá tải. Đó cũng là điều mà cơ quan quản lý cần phải tiên lượng.
Đã đến lúc cần nhìn nhận lại cách thức ngăn chặn và xử lý xe quá tải. Ở đó, nhà đầu tư, đơn vị quản lý khai thác các tuyến cao tốc, các trạm BOT cần phát huy hết vai trò của mình trong việc phát hiện và ngăn chặn xe quá tải.
Cần coi đó là một trong những điều kiện để được phép thu phí - giống như việc để đường xuống cấp – khi đó sẽ phải dừng thu phí. Chỉ khi có chế tài ràng buộc trách nhiệm của đơn vị quản lý, khai thác đường bộ, trách nhiệm kiểm soát xe quá tải mới được san sẻ.
Khi các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu được kiểm soát, các lực lượng chức năng khác chỉ tập trung vào các khu vực tuyến tránh, đường địa phương, các khu vực mỏ vật liệu, hiệu quả xử lý xe quá tải mới được phát huy. Còn nếu vẫn chủ yếu dựa vào sức người, mục tiêu ngăn chặn triệt để xe quá khổ, quá tải sẽ trở thành viển vông./.