Thành tích của Bộ GTVT có đóng góp quan trọng của Tổng cục
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Đường bộ VN diễn ra sáng nay (28/12), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ghi nhận những thành công của Tổng cục Đường bộ VN, đóng góp vào những thành tích chung của Bộ GTVT.
Theo Thứ trưởng, thành công của Bộ GTVT năm 2021 có đóng góp không nhỏ của Tổng cục Đường bộ, nhất là trong phòng chống dịch, cụ thể là phối hợp với các lực lượng đề ra giải pháp để lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành trên cả nước, không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Đường bộ VN
Cũng theo Thứ trưởng, một thành công lớn của ngành GTVT năm 2021 là trong điều kiện khó khăn, vẫn triển khai được các dự án quan trọng, là một trong những ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, trong đó Tổng cục Đường bộ đã giải ngân 100% vốn sự nghiệp.
Tổng cục Đường bộ cũng góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự ATGT, thể hiện trong việc tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí.
“
“Tổng cục phải ghi nhận, khắc phục, sửa chữa các tồn tại trên tinh thần ứng dụng công nghệ, làm đâu gọn đó, tư tưởng phải thấm nhuần, hành động phải quyết liệt để tập trung giải quyết triệt để, kịp thời các tồn tại, không để kéo dài”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo.
”
Trong công tác duy tu, bảo dưỡng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao Tổng cục Đường bộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn được cấp, đảm bảo chất lượng hạ tầng và ATGT, trong đó tập trung xử lý điểm đen, điểm nghẽn, mặt đường êm thuận.
“Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, tập trung vốn, lực lượng xử lý ngay các hư hỏng mặt đường, mặt đường xuất hiện “ổ gà” phải vá ngay để đảm bảo êm thuận”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng năm 2022
Bước sang năm 2022, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN tập trung cao độ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao.
"Nhiệm vụ số 1 là phải tập trung phối hợp với Bộ Công an để sửa Luật GTĐB, đặc biệt là Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, trên tinh thần từ thực tiễn, lấy thực tiễn, dự báo để đưa vào luật. Trong đó, cần đặc biệt chú ý cụ thể hóa quy hoạch đường bộ vào luật để thực hiện thành công quy hoạch", Thứ trưởng nêu rõ.
Đối với nội dung quy hoạch đường bộ đã được Thủ tướng phê duyệt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu cần tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch để đầu tư phát triển hạ tầng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch, nghiên cứu mô hình quản lý của Tổng cục, vấn đề phân cấp, phân quyền cho phù hợp.
Tổng cục Đường bộ VN cũng cần chú trọng xây dựng được cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hình thức đầu tư và cơ chế khai thác. Ngoài ra cần nghiên cứu mô hình quản lý nguồn vốn bảo trì đường bộ.
"Đến năm 2050, cả nước sẽ có trên 10.000 km đường cao tốc, ngoài hệ thống quốc lộ, Tổng cục Đường bộ cần hướng đến mô hình quản lý đường cao tốc hiệu quả. Trong đó, cần chú ý quản lý bằng hệ thống giao thông thông minh ITS và hệ thống thu phí không dừng", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về ATGT, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, nhất là ở các địa phương để kiểm soát tải trọng phương tiện. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó lực lượng thanh tra giao thông phải kiểm soát chặt tại các bến bãi, kho bãi, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm các điểm sụt trượt do bão lũ, thiên tai.
Cuối cùng, Thứ trưởng lưu ý Tổng cục Đường bộ VN cần chỉ đạo tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn, trật tự giao thông, vận tải đường bộ, nhất là vận tải hàng hóa dịp Tết Nguyên đán.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, năm 2021, Tổng cục Đường bộ xây dựng, trình 16 dự thảo văn bản văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành 100% kế hoạch đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, với nguồn vốn được giao hơn 1.500 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công, đến nay giải ngân đạt 100%.
Năm 2021, cơ quan này đã xử lý 81 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; sơn kẻ hơn 1.200 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh hơn 1.400 biển báo; sửa chữa, bổ sung 140 km hộ lan tôn sóng. Đồng thời, thường trực tiếp nhận, thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng, xử lý hàng trăm các bất cập trong tổ chức giao thông, hư hỏng đột xuất cầu đường; kịp thời tổ chức phân luồng, ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác quản lý, bảo vệ và bảo trì kết cấu hạ tầng quốc lộ, đường cao tốc quốc gia tiếp tục được triển khai đồng bộ với các giải pháp khoa học, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả góp phần bảo đảm giao thông trên hệ thống quốc lộ luôn thông suốt, ngày càng an toàn hơn; phục vụ tốt cho phát triển kinh tế xã hội, giảm chi phí logistic trong vận tải.