Tàu điện ngày càng hút khách
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác, vận hành chính thức từ ngày 6/11. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau hơn 1,5 tháng, rất đông hành khách đã lựa chọn đi tàu thay vì dùng phương tiện cá nhân.
Đến nay, nhiều người đã chọn tàu Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện đi lại thay vì sử dụng xe cá nhân
Lúc 7h35 sáng 20/12, khi tàu vừa cập bến tại ga Yên Nghĩa, hành khách xếp hàng lần lượt di chuyển lên tàu.
Tới ga thứ 4 (ga Hà Đông) các khoang tàu đều nhanh chóng lấp đầy số ghế. Số lượng hành khách từ các ga dọc đường, nhất là khu vực trên trục đường Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở lên tàu chiếm tỷ lệ cao.
Là một trong những hành khách mua vé tháng từ ngày đầu, chị Nguyễn Thu Phương (Yên Nghĩa, Hà Đông) chia sẻ, sau tháng đầu nhận thấy đi làm bằng tàu điện thuận lợi, an toàn, đúng giờ nên chị tiếp tục mua vé tháng kế tiếp để sử dụng.
“Tôi làm việc cho một công ty tư nhân trên phố Nguyễn Thái Học, cách ga Cát Linh khoảng 500m. Từ ngày đi tàu, tôi không còn cảm giác lo lắng muộn giờ làm bởi tắc đường, hay ô nhiễm do khói xe. Chi phí đi lại cũng giảm hơn một nửa. Trước đây, di chuyển bằng xe máy với khoảng hơn chục km, cả tháng chi phí cho xăng xe, sửa chữa xe có khi cả triệu đồng. Từ ngày đi tàu mỗi tháng chỉ phải bỏ ra 200.000 đồng mua vé tháng” chị Phương nói.
Tuy nhiên, theo chị Phương, con đường chị đi bộ để đến nơi làm việc vẫn còn chỗ vỉa hè bị chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
“Tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm thiết lập vỉa hè an toàn cho người đi bộ”, chị Phương bày tỏ.
Đang ngồi nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp đầu giờ, anh Vũ Phạm Anh ở đường Kim Đồng (quận Hoàng Mai) cho biết, anh bắt đầu sử dụng vé tháng liên tuyến để đi tàu Cát Linh - Hà Đông từ ngày 2/12.
“Đi lại bằng xe máy từ trục đường Giải Phóng - Trường Chinh - Ngã Tư Sở gặp nhiều điểm ùn tắc. Việc di chuyển bằng tàu điện trên cao giúp tôi tiết kiệm được thời gian để đến chỗ làm cũng như về nhà”, anh Vũ Phạm Anh bày tỏ.
Ghi nhận của PV, hiện công tác tổ chức các điểm trông giữ xe ở ga đầu Cát Linh, ga cuối Yên Nghĩa đã được các cơ quan chức năng sắp xếp hợp lý, tạo thuận lợi cho hành khách.
Khu vực ga Văn Khê từng là tụ điểm nhức nhối từ những ngày đầu tàu điện đi vào vận hành do bị người dân chiếm dụng chân ga làm nơi tổ chức kinh doanh, bày biện hàng hoá, trông giữ xe tự phát thì nay khu vực này trở được sắp xếp quy củ, gọn gàng hơn.
Tuy nhiên, một số điểm gửi xe khu vực ga La Khê, Hà Đông, Láng, Thái Hà theo sổ tay hướng dẫn khách đi tàu do Ha Noi Metro cung cấp vẫn đang là điểm gửi "ảo".
Hành khách tới đây gửi xe vẫn bị từ chối và nói: “Đây không phải điểm gửi xe phục vụ khách đi tàu”.
Công tác kiểm soát y tế và phòng, chống dịch Covid-19 được đơn vị khai thác tàu thực hiện chặt chẽ.
Tại các ga, hành khách được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và ngồi theo vị trí ngồi giãn cách tại ke ga chờ tàu.
Từ năm 2022 sẽ thêm nhiều tiện ích
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty Hà Nội Metro cho biết, sau hơn 1 tháng đưa vào khai thác, đến nay tuyến vận hành ổn định, các chuyến tàu đảm bảo an toàn, đúng giờ và chất lượng phục vụ tốt nhất cho hành khách.
Sau khi kết thúc 15 ngày đầu miễn phí (5-20/11), hành khách đi tàu chủ yếu là người có nhu cầu thực tế, trong đó khách sử dụng đi làm thường xuyên tăng lên.
Tổng số khách được vận chuyển trong tháng đầu khai thác đạt hơn 620.400 khách, trong đó nhiều nhất là thời gian miễn phí với trung bình 25.000 khách/ngày, sau đó đạt 16.000 khách/ngày.
Đến nay, trung bình mỗi ngày có 16.000 lượt khách đi tàu, với tỷ trọng khách tập trung ở 2 ga đầu tuyến Cát Linh chiếm 30,1%, Yên Nghĩa 21,7%, còn 10 ga dọc tuyến còn lại chiếm 48,2%.
Tính từ 21/11, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chở khách có thu tiền theo giá vé được ngân sách thành phố hỗ trợ, mỗi ngày khai thác 203 chuyến tàu, hoạt động từ 5h30-22h, với tần suất 10 phút một đoàn tàu dừng đón, trả khách tại các ga.
Tỷ lệ khách sử dụng vé tháng cũng tăng dần từ 10% lên hơn 20% và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian khi tới học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Đề cập việc triển khai các dịch vụ tại ga tàu, lãnh đạo Hà Nội Metro cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án tổ chức đấu thầu khai thác cung cấp một số dịch vụ tiện ích tại các ga.
Sang năm 2022 có thể triển khai một số dịch vụ như: biển quảng cáo, máy bán hàng tự động, quầy sách báo, trưng bày giới thiệu sản phẩm, máy rút tiền tự động ATM.
Liên quan đến việc tổ chức các điểm trông giữ xe dọc các ga phục vụ hành khách đi tàu, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện ở ga Cát Linh có bãi gửi xe ở ngõ 168 Hào Nam có thể đáp ứng nhu cầu cho 500-1.000 xe đạp, xe máy. Khu vực xung quanh ga Cát Linh cũng được tận dụng để bố trí chỗ gửi xe.
“Tại ga Yên Nghĩa đã có bến xe Yên Nghĩa nằm bên cạnh. Những chỗ vỉa hè hẹp, trông xe tự phát, chính quyền đã giải tỏa để dành đường cho người đi bộ và bố trí trông xe ở vị trí phù hợp. Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt được kết nối với metro được bố trí khoa học, tiện lợi đã góp phần hỗ trợ rất lớn cho người dân trong việc tiếp cận và sử dụng tuyến đường sắt đô thị này”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định.