Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Quyết định được xem là cần thiết, giúp tháo gỡ phần nào gánh nặng cho các hãng vận tải - Ảnh Straitstimes
“Chúng tôi mong hành khách hiểu rằng không thể tiếp tục trì hoãn việc tăng giá vé vì điều này là cần thiết để hỗ trợ chi phí vận tải đang tăng lên, cụ thể là giá nhiên liệu và tiền lương. Doanh thu từ giá vé thấp hơn chi phí hoạt động không thể kéo dài vô thời hạn”.
Đây là chia sẻ của ông Richard Magnus, Chủ tịch Hội đồng Giao thông Công cộng Singapore, khi thông báo kế hoạch điều chỉnh giá vé giao thông công cộng hàng năm. Trước đó, các đơn vị vận tải khách kiến nghị cho phép tăng đồng loạt giá vé xe buýt và tàu điện kể từ ngày 26/12 tới đây.
Đại diện Hội đồng Giao thông Công cộng cho biết, các nhà điều hành nhận thấy rõ ‘hoàn cảnh kinh tế khó khăn’ mà người dân Singapore đang phải đối mặt do đại dịch Covid-19, song kế hoạch tăng giá vé đã được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo ông Magnus, dù xu hướng dài hạn chưa rõ ràng, nhưng hiện tượng người dân làm việc tại nhà ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, dữ liệu cập nhật trên trang web của Cơ quan giao thông vận tải Đường bộ Singapore gần đây cho thấy, trong bối cảnh các hạn chế đi lại được thắt chặt, số lượng hành khách đi xe buýt và tàu điện đã giảm tới 40%, mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Ông Tan Kim Hong, Giám đốc điều hành Hội đồng giao thông công cộng nhận định, nếu chi phí tăng và lượng hành khách giảm thực sự trở thành trạng thái ‘bình thường mới’, các đơn vị khai thác sẽ phải tìm cách thích ứng. Cụ thể, khi nhu cầu đi lại trong giờ cao điểm ngày càng giảm, các nhà khai thác cần điều chỉnh tần suất chuyến, tăng mức độ tự động hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu để tạo doanh thu nhiều hơn, đồng thời cắt giảm chi phí.
Ông Tan cho rằng, việc sửa đổi giá vé không nhằm bù đắp hoàn toàn chi phí hoạt động, mà chỉ giúp trang trải phần nào khó khăn của các hãng xe trong mùa dịch. Giao thông công cộng có thể xem là một loại hàng hóa, nếu để thị trường tự quyết định, giá vé có thể sẽ còn tăng cao hơn: “Vấn đề xã hội cần cân nhắc ở đây là chúng ta phải định giá hệ thống vé sao cho bất kỳ người dân Singapore nào cũng không gặp trở ngại nếu họ muốn đi lại bằng giao thông công cộng”.
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm số lượng hành khách đặt ra thách thức về tính bền vững của hệ thống giao thông công cộng, dù chính phủ chi khoảng 2 tỷ đô la Singapore mỗi năm để trợ giúp các hoạt động xe buýt và đường sắt đô thị.
Ảnh Straitstimes
Hội đồng giao thông công cộng cho biết, việc tăng giá vé có thể giúp doanh thu của các hãng vận tải tăng hơn 34 triệu đô la Singapore mỗi năm. Các nhà khai thác sẽ đóng góp khoảng 2,23 triệu đô la vào Quỹ giao thông công cộng để chia sẻ lợi nhuận của họ với khách hàng. Chính phủ sẽ sử dụng quỹ này để phát hành 600.000 phiếu giao thông công cộng miễn phí, mỗi phiếu trị giá 30 đô la nhằm trợ giúp những người khó khăn, bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá vé.
Ông S. Iswaran, Bộ trưởng giao thông Singapore khẳng định, thách thức do đại dịch Covid-19 dẫn đến sự thay đổi các loại hình vận tải. Do đó, hệ thống giao thông của Singapore cần phải chứng tỏ mức độ đáng tin cậy, có khả năng phục hồi và sẵn sàng cho tương lai: “Trọng tâm của Chính phủ hiện nay là đảm bảo các dịch vụ giao thông công cộng hoạt động đáng tin cậy và an toàn cho người dân Singapore sử dụng”.
Bộ trưởng giao thông Iswaran cho biết thêm, Hội đồng giao thông công cộng sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để bảo vệ quyền lợi của hành khách, trong khi vẫn đảm bảo cho hệ thống giao thông công cộng bền vững về mặt tài chính.
Hiện việc tăng giá vé giao thông công cộng đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng điều này có thể gây tổn hại tới những người đi làm, vốn đang phải chật vật đối phó với tình trạng kinh tế khó khăn:
“Người cao tuổi ít bị tác động vì được trợ cấp, nhưng những người trẻ đi làm bằng giao thông công cộng sẽ bị ảnh hưởng”.
“Việc tăng giá vé có thể tác động rất lớn tới những người có điều kiện kinh tế khó khăn”.
Tuy nhiên, bên cạnh lo ngại cũng có không ít những ý kiến ủng hộ:
“Đại dịch đã xảy ra trong một thời gian dài, theo tôi việc điều chỉnh giá vé hiện nay là hợp lý”.
Trước tình trạng các tuyến xe buýt ở TP.HCM gặp khó khăn do lượng khách ít, Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM mới đây đã gửi văn bản tới các sở, ngành chức năng đề xuất giải pháp hỗ trợ cho hoạt động xe buýt được phục hồi trở lại. Các đơn vị vận tải xe buýt cũng kiến nghị việc trợ giá trong năm nay nên tính theo sản lượng thực tế. Vì nếu khoán sản lượng cao như những năm trước sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó Hà Nội đã cho phép khôi phục hoạt động vận tải công cộng là xe buýt và vận tải hành khách liên tỉnh có điều kiện từ ngày 14/10. Tuy nhiên, theo ghi nhận lượng hành khách vẫn khá ít, trong đó một phần nguyên nhân là do học sinh, sinh viên chưa được trở lại trường học.