Chiều 6/12, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã tổ chức cuộc họp rà soát các công việc cần tiếp tục giải quyết sau khi chuyển giao 5 Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh chủ trì cuộc họp. Ảnh: MT
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, mặc dù 5 Tổng công ty đã chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhưng Bộ Giao thông Vận tải vẫn sẽ luôn bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành để 5 Tổng công ty hoạt động bình thường, thậm chí tốt hơn.
Đòng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giải quyết những vấn đề còn tồn tại, cũng như khó khăn hiện nay của các đơn vị này theo nguyên tắc Bộ Giao thông Vận tải là cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành cũng như trên cơ sở thực hiện đúng theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP.
Để giải quyết các khó khăn vướng mắc của các Tổng công ty, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các Tổng công ty chủ động xác định những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để hai bên có sự phối hợp giải quyết.
Bên cạnh đó, đối với những vấn đề cần có sự phối hợp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chủ động có văn bản tới Bộ và Bộ sẽ cử cán bộ phù hợp đúng thẩm quyền tham gia phối hợp giải quyết .
Ngoài ra, để phối hợp giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến cả hai cơ quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Văn phòng Bộ là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sớm xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa hai đơn vị.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết, sau buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể với từng Tổng công ty để xác định rõ những khó khăn vướng mắc của từng đơn vị. Từ đó, cùng với đơn vị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Ủy ban giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quá trình chuyển giao.
Trước đó, tại cuộc họp, bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) báo cáo tóm tắt những công việc cần tiếp tục thực hiện sau khi chuyển giao các Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Bao gồm: công tác nhân sự, công tác tài chính, cổ phần hóa doanh nghiệp, công tác đánh giá xếp loại doanh nghiệp việc thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cũng như phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 của các Tổng công ty.
Ngày 12/11, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước các doanh nghiệp gồm: Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam-CTCP; Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên và Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên. Tổng vốn điều lệ của 5 đơn vị kể trên là khoảng 49 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là hơn 46,3 nghìn tỷ đồng./.