Một số địa phương đã mở cửa du lịch nội vùng trong nỗ lực đưa cuộc sống trở lại hoạt động bình thường. Và không chỉ dừng lại ở đó, những kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho đón khách quốc tế cũng như đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài cũng đã được đề cập đến…
Nghe nội dung chi tiết ở đây:
Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ VHTT&DL và các địa phương: Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh về phương án đón khách du lịch quốc tế trong tình hình mới do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ sớm mở lại du lịch quốc tế. Tuy nhiên, lộ trình mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế khẩn trương, nhưng vẫn phải bảo đảm đầy đủ các quy định, triển khai khoa học, an toàn.
"Thận trọng nhưng thận trọng một cách khoa học, chứ không phải thận trọng theo kiểu sợ hãi. Khẩn trương nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các quy định một cách khoa học. Hướng dẫn cũng phải rất kỹ, đầu tiên là lên khung còn bên dưới là phải giao cho UBND các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp phù hợp với tỉnh mình. Các tỉnh có quyền đưa thêm các quy định của tỉnh mình vào…", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tiếp đó, ngày 3/11, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo “Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”. Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, căn cứ trên các tờ trình của các bộ liên quan, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như trong đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/10 trong tờ trình số 272 về “Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”. Lộ trình đón khách được chia làm ba giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11/2021.
Về cơ bản, các địa phương được phép đón du khách quốc tế theo chương trình trọn gói, đồng thời kết nối các điểm đến sau khi hoàn thành chương trình du lịch ở điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày. Các cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Nếu điều kiện chống dịch thuận lợi sẽ tiến tới mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế….
Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh Quảng Nam đã sẵn sàng trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn để đón khách quốc tế: Quảng Nam trong thời gian qua đã rất tích cực trong việc đón bà con thân nhân Việt Nam nhập cảnh, nên chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm. Mong muốn của chúng tôi là được hướng dẫn cụ thể để mở tuyến đón các chuyến bay quốc tế đến sân bay Chu Lai ở Quảng Nam…
Theo quy định thì khách quốc tế đến Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau: Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận (không áp dụng đối với trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ).
Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vaccine 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 06 tháng.
Có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm). Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD. Tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Việc áp dụng “hộ chiếu vacine” sẽ ưu tiên đối với du khách đến từ một số nước, vùng lãnh thổ có biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp. Về quy định này, theo ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban Truyền thông – Hiệp hội du lịch Việt Nam – TGĐ Flamingo Redtour là điều cần thiết và trên thế giới nhiều nước đã áp dụng hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch: Hiện nay trên thế giới người ta hay dùng cụm từ “hộ chiếu vacine” hay “thẻ xanh”. Đó là tên gọi của hình thức là giấy chứng nhận một người không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng và có thể tham gia các hoạt động khác nhau.
Trên thế giới, đặc biệt khu vực Châu Âu đã áp dụng rất thành công thẻ xanh bằng hình thức mã QR code tại 27 quốc gia ở Châu Âu. Với chứng nhận này họ đã được đi lại rất thuận tiện trong mọi hoạt động, trong đó có du lịch.
Việt Nam chúng ta tại một số tỉnh cũng đã thí điểm thẻ xanh, một số địa phương đã có quy định tiêm đủ 2 mũi vacine sẽ được tham gia một số hoạt động, nên việc chúng ta đưa thẻ xanh – chứng nhận một người đủ điều kiện không có nguy cơ lây nhiễm được tham gia vào một số hoạt động, và tham gia vào du lịch là điều cần thiết".
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hoan thì bên cạnh việc áp dụng “thẻ xanh” hay gọi là “hộ chiếu vacine” thì rất cần có sự thống nhất giữa các quốc gia trong vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi du lịch giữa các nước. Đồng thời cần áp dụng công nghệ trong việc cấp giấy chứng nhận, vừa đảm bảo nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh:
Ông Nguyễn Công Hoan nói thêm: "Tuy nhiên, cũng cần phải có một số lưu ý, đặc biệt là phải áp dụng công nghệ vào quản lý. Nên thống nhất một mã mà trên thế giới đang dùng là mã QR. Chứ không phải hộ chiếu vacine là một thứ giấy tờ nào đó rất phiền phức. Và phải tự động, chứ nếu phải xin cấp phép trực tiếp sẽ rất lâu.
Phải có sự thống nhất giữa các địa phương, các quốc gia khác nhau, phải có sự chuẩn hoá chung. Nếu không có sự thừa nhận giữa của các bên mà phải hợp thức hoá thông qua lãnh sự từng loại giấy tờ thì sẽ rất khó để thúc đẩy phát triển du lịch và hàng không…"
Đến nay, nhiều địa phương đã rục rịch chuẩn bị kế hoạch cho đón khách quốc tế, như Phú Quốc-Kiên Giang, Quảng Nam, Huế… Vừa qua, Tp. HCM cũng đã tổ chức sự kiện ra mắt website quảng bá, xúc tiến các điểm đến du lịch của thành phố Hồ Chí Minh với những kế hoạch sẵn sàng đưa hoạt động du lịch trở lại.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch thì thông thường việc sắp xếp tour du lịch cho khách nước ngoài đến Việt Nam sẽ phải lên kế hoạch trước nhiều tháng, thậm chí là nửa năm, vì vậy việc Chính phủ cho phép mở tour từ cuối tháng 11, thì nếu điều kiện thuận lợi việc đón khách sẽ được bắt đầu vào khoảng quý 1/2022…
Dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng việc chuẩn bị trước cho các kế hoạch hành động của ngành du lịch ngay lúc này là hợp lý, tránh bị động, để khi cơ hội đến là có thể nắm bắt và triển khai được một cách nhanh chóng…
Ngay lúc này, chúng ta khó có thể khẳng định được việc, khi nào thì dịch COVID-19 sẽ bị đẩy lùi. Nhưng nếu cứ ngồi chờ đến khi không còn dịch mới quay trở lại làm việc sẽ khó có thể kịp trở tay hành động.
Ngành du lịch 2 năm qua gần như bị đóng băng, mọi hoạt động bị đình trệ, người lao động thất nghiệp hoặc phải chuyển sang lĩnh vực khác; Các doanh nghiệp điêu đứng, phá sản, hoặc hoạt động cầm chừng. Nên hơn ai hết, những người hoạt động trong lĩnh vực này đều mong mỏi đến ngày được quay trở lại.
Nhưng để làm được điều này, không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan, mà điều quan trọng nhất là sự an toàn. An toàn ở điểm đến, các nhà vận chuyển an toàn, khách sạn, nhà hàng an toàn, an toàn ở sản phẩm du lịch trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa thể đẩy lùi, an toàn đối với sức khoẻ của từng du khách… Nếu tất cả những điều này được đảm bảo, chính là điều kiện để hoạt động du lịch có thể hồi sinh.
Vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công bố kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc ngay trong tháng 11. Để thực hiện kế hoạch này, tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành tiêm chủng 100% đối với người lao động và trên 18 tuổi. Dự kiến, tháng 11 sẽ đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng theo khuyến cáo của ngành y tế.
Đối tượng hành khách tham gia các chương trình thí điểm sẽ theo các tour trọn gói, bảo đảm các điều kiện về hộ chiếu vaccine cũng như các điều kiện khác. Khách quốc tế được ưu tiên lựa chọn từ các thị trường tiềm năng của Việt Nam, và có độ an toàn cao về phòng chống dịch COVID-19 tại một số khu vực.
Việc Phú Quốc triển khai thành công gói sản phẩm du lịch này sẽ tạo tiền đề thúc đẩy các địa phương hành động, giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn.
Điều quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam phải tạo được hình ảnh là một đất nước an toàn, một điểm đến du lịch an toàn trong mắt du khách quốc tế.
Khi những nghi ngại về dịch bệnh COVID-19 bị đẩy lùi, chắc chắn du khách sẽ lựa chọn đến với chúng ta. Để làm được điều này ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành liên quan, sẽ cần sự vào cuộc của toàn xã hội, của tất cả người dân Việt Nam trong những hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Mục tiêu lớn nhất của chúng ta hiện nay, không phải là tạo ra những điểm đến du lịch an toàn ở một vài nơi, mà phải là chung sức đưa Việt Nam thành một điểm đến an toàn. Có như vậy ngành du lịch nói riêng và các ngành nghề khác mới có cơ hội phục hồi và phát triển…