Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng hậu COVID-19 và xa hơn trong tương lai, chuỗi cung ứng hàng hóa phải tăng khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những “chấn thương bất ngờ”.
"Luồng xanh" vận tải hàng hóa được xem là liều vaccine phòng chống bệnh "ách tắc" lưu thông chuỗi cung ứng hàng hóa. Liều vaccine này càng phát huy tác dụng khi mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Theo đó, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động, trừ khu vực cấp 4 nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và quyết định của chính quyền địa phương.
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến hơn 20 tỉnh, thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân và tập trung kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, đi kèm đó là những bất lợi tới hoạt động sản xuất kinh doanh mà khâu vận tải lưu thông hàng hóa chính là mắt xích ảnh hưởng lớn nhất tới quy trình sản xuất.
Những lúng túng, bất cập ban đầu khi triển khai “luồng xanh” vận tải hàng hóa hay các quy định siết chặt vận tải nhằm bảo vệ an toàn phòng chống dịch của các địa phương... đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, sản xuất hàng hóa.
Chỉ khi cả hệ thống cùng vào cuộc và sự chỉ đạo linh hoạt kịp thời của Chính phủ các bất cập này mới được hóa giải và đang tạo nên luồng lưu chuyển hàng hóa thông suốt, góp phần duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Những lúng túng
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức “luồng xanh” (luồng vận tải ưu tiên) vận tải hàng hóa quốc gia, vận tải hàng hóa vùng và liên vùng trong suốt quá trình dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian 19 tỉnh phía Nam và một số tỉnh phía Bắc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, ý tưởng về “luồng xanh” vận tải được đưa ra đúng thời điểm vận tải hàng hóa ở các tỉnh phía Nam trong tình trạng căng thẳng nhất.
Mục đích “luồng xanh” vận tải cho phép kết nối giữa các địa phương, đảm bảo lưu thông hàng hóa toàn quốc và trong từng thành phố, nội tỉnh theo một mạng lưới thông suốt, đảm bảo an toàn về hàng hóa và con người tham gia.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song, nhờ hoạt động của “luồng xanh” vận tải hàng hóa và việc giảm bớt các thủ tục kiểm tra đã giúp doanh nghiệp vận tải, lái xe không bị lúng túng khi vận chuyển hàng hóa vào vùng giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mặc dù các văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về việc tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19, nhưng một số địa phương vẫn có quy định riêng khiến hoạt động này gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể tại Cần Thơ, do hiểu khác nhau về văn bản hướng dẫn của địa phương, về hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu nên chốt kiểm soát tại Cần Thơ đã không đồng ý cho xe vào và yêu cầu quay đầu. Đặc biệt, UBND thành phố Cần Thơ còn yêu cầu “Tất cả các phương tiện đến thành phố giao nhận hàng hóa đều phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do thành phố quy định”.
Một số địa phương khác như: Kon Tum, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang... không cho xe tải vào mà yêu cầu phải sang xe, đổi tài xế mới cho vào tỉnh. Phú Quốc (Kiên Giang) thì yêu cầu tài xế giao hàng phải ở lại đảo 30 ngày. Hay như tại Hải Phòng, có thời điểm 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khi xe vận chuyển vật tư sản xuất, sản phẩm đi tiêu thụ, dù đủ điều kiện nhưng người ngồi trên xe và lái xe vẫn không đi được qua các huyện, xã, thôn mà phải trung chuyển qua xe khác nên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh… yêu cầu lái xe nếu muốn lưu thông, ngoài điều kiện quy định thì phải có xác nhận của Sở Giao thông Vận tải, việc này làm hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, bế tắc.
Thậm chí, có tình trạng địa phương này không công nhận giấy tờ của địa phương khác cấp, hoặc xe chuyển hàng được địa phương này cho lưu thông nhưng địa phương kia không cho vào dẫn đến chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất tới lưu thông bị gián đoạn, đứt gãy, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế.
Một số địa phương không chấp nhận kết quả PCR của tỉnh khác và yêu cầu lái xe phải kiểm tra PCR lại tại cơ sở y tế của tỉnh. Một số địa phương yêu cầu kết quả test COVID-19 có giá trị trong 24h, trong khi các tỉnh khác cho phép kết quả trong 72h. Việc không thống nhất quy định về test và kết quả test giữa các địa phương khiến lãng phí thời gian và tiền bạc…
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu triển khai “luồng xanh” vận tải hàng hóa, nhiều chủ phương tiện, tài xế phản ánh rằng, việc phản hồi hồ sơ đăng ký hoạt động "luồng xanh" còn chậm. Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, chính những bất cập nêu trên đã gây ra sự lúng túng và thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ thừa nhận, trong một số thời điểm, việc kiểm soát phương tiện đi lại, hàng hóa vận chuyển tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, cá biệt là tại Cần Thơ, Cà Mau, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Ngoài ra, tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên cả nước, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp tài xế lợi dụng phương tiện có mã QR Code phân “luồng xanh” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự và có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Nhiều trường hợp tài xế lợi dụng xe “luồng xanh” để chở người từ vùng dịch về; vận chuyển hàng lậu; xe “luồng xanh” đi sai lộ trình…
Nhanh chóng tháo gỡ
Trước thực trạng trên, để hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp góp phần thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã liên tục chủ trì các cuộc họp trực tuyến thường nhật với các địa phương nhằm tìm ra giải pháp khắc phục.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan ứng dụng công nghệ để giảm thiểu thời gian kiểm soát lưu thông hàng hóa.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng, đưa vào vận hành phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành có mã QR cho phương tiện lưu thông trên các “luồng xanh” liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc. Mọi hoạt động của phần mềm này được thực hiện theo mô hình cổng thông tin điện tử một cửa, nhận và trả kết quả trực tuyến.
Chủ phương tiện có nhu cầu sẽ đăng ký phương tiện, hành trình vận chuyển qua hệ thống; cơ quan quản lý kiểm tra, cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR dưới dạng điện tử, chủ xe tự in và dán lên kính lái. Lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát sử dụng điện thoại quét mã QR trên giấy nhận diện để kiểm tra thông tin và ưu tiên cho xe thông qua nhanh nhất.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, với phần mềm quản lý này, “luồng xanh” vận tải đã được vận hành một cách trơn tru và thuận lợi nhất. Điều này đã được minh chứng sau ít ngày triển khai, việc vận tải hàng hóa ở hầu hết các tỉnh phía Nam đã thuận lợi thấy rõ.
Dưới góc độ địa phương, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Sơn La cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành giao thông vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải hàng hóa song hành cùng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; thành lập "Đội vận tải xanh" sẵn sàng vận chuyển hàng hóa nông sản đi đến các vùng có dịch và các địa phương khi có yêu cầu. Cùng đó, thực hiện hướng dẫn tổ chức phân luồng giao thông, tạo “luồng xanh” vận tải của tỉnh kết nối “luồng xanh" vận tải quốc gia.
Một trong những nhân tố quan trọng nữa giúp việc lưu thông hàng hóa và cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân 19 tỉnh phía Nam áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg là việc Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai “luồng xanh” đường thủy. Ý tưởng trên xuất phát từ việc muốn tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của khu vực miền Nam có nhiều sông ngòi để đảm bảo hàng hóa được luân chuyển nhanh chóng, thông suốt, hạn chế tiếp xúc.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc triển khai thêm “luồng xanh” đường thuỷ đã giúp tăng thêm năng lực vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu giữa các tỉnh, thành phía Nam. Song song với đó, “luồng xanh” đường thủy đã hỗ trợ tốt cho việc lưu thông hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Vận tải phải đi trước một bước
Với tình hình dịch bệnh khó đoán định trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chủ động xây dựng một quy chuẩn chung cho vận hành “luồng xanh” vận tải cần được các cơ quan chức năng tiếp tục bổ sung hoàn thiện.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tình hình mới, sau khi các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngày 1/10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố hướng dẫn hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) với một số tiêu chí.
Cụ thể về: đơn vị kinh doanh vận tải; người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ, hành khách; phương tiện; nhà ga, bến tàu, bến xe; tuyến vận tải; tần suất phương tiện hoạt động trên tuyến; lực lượng kiểm tra giám sát; xử lý vi phạm; các bước triển khai, sơ kết, chuyển sang bước mới...
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu một số địa phương thu hồi, điều chỉnh ngay những quy định phòng, chống dịch chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh kiểm tra các bến bãi tập kết hàng hóa, cảng thủy nội địa và việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch của doanh nghiệp, lái xe, lái tàu.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, vận tải phải đi trước một bước, vì vậy, các cơ quan chức năng phải chủ động, linh hoạt. Trong thời gian tới, các cơ quan đơn vị của Bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp đảm bảo hoạt động vận tải, phục vụ lưu thông hàng hoá thông suốt, kịp thời 24/24h theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Về “luồng xanh” đường thủy, ông Nguyễn Kim Toản, chuyên gia giao thông đường thủy cho rằng, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy có ưu điểm là chở được nhiều. Tuy nhiên lại gặp khó khăn khi không thể đi sâu vào từng nhà vườn; tập kết hàng, xuống hàng và phân phối vẫn cần tới đường bộ. Do đó, cần có sự xuyên suốt, phối hợp giữa các tỉnh, thành phố để bàn ra phương án hiệu quả nhất.
Theo đó, ông Toản góp ý, chính các doanh nghiệp logistics nên bắt tay ngay vào lúc này. Các đơn vị trên sẽ làm từ khâu thu mua, vận chuyển đến khâu phân phối sản phẩm và đến từng siêu thị thì mới hiệu quả.
Ông Nguyễn Tương, nguyên Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị nên quy định rõ danh mục những mặt hàng cấm vận chuyển, lưu thông, như vậy doanh nghiệp dễ dàng áp dụng, tuân thủ; các địa phương cũng trên cơ sở đó thực hiện các biện pháp kiểm soát.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng số lái xe kinh doanh vận tải lên đến 2,5 triệu người. Do đó, để đảm bảo an toàn phòng dịch, ngành y tế và các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 sớm cho đối tượng này.
Với các hành vi vi phạm pháp luật núp bóng “luồng xanh”, luật sư Lê Cao Cường - Giám đốc, Luật sư điều hành Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc chuyển Bộ Công an cấp mã QR cho xe vận tải hàng hóa sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình trên. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện “luồng xanh” sai quy định./.