Đa số vào những giờ cao điểm, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… mật độ phương tiện lưu thông trên các tuyến đường thường bị quá tải, dẫn đến tình trạng kẹt xe. Chính vì vậy, khi điều khiển xe trong phố, cần luôn đảm bảo cho mình tâm lý thoải mái, từ việc điều chỉnh vị trí ghế lái, vô lăng hay tầm nhìn, khả năng bao quát xung quanh xe.
Đồng thời áp dụng một số kinh nghiệm sau đây, sẽ giúp các lái mới đảm bảo an toàn, giảm căng thẳng khi điều khiển ô tô lưu thông trong các tuyến đường nội đô.
Nắm vững lộ trình di chuyển
Tại một số tuyến đường nội đô thường có biển cấm ô tô lưu thông, do vậy nếu mới chuyển sang lái ô tô cần nắm rõ những lộ trình di chuyển hay các tuyến đường cấm ô tô đi vào. Hoặc có thể trang bị hệ thống định vị, dẫn đường tích hợp trên màn hình trung tâm, nếu chưa nắm rõ đường đi nên sử dụng thiết bị này để chọn lộ trình thích hợp.
Chú ý, nên điều khiển xe đi đúng làn đường, quan sát các biển báo, đèn tín hiệu giao thông và lưu thông với tốc độ chậm. Bởi lẽ, vào giờ cao điểm, thường xuyên có các tình huống tạt ngang đầu xe từ các phương tiện khác như xe đạp, xe máy hay thậm chí là người đi bộ băng cắt ngang qua đường cũng là trường hợp dễ thấy.
Giữ khoảng cách phù hợp
Khi lưu thông trong các tuyến đường nội đô, lái mới nên tập cho mình thói quen điều tiết nhịp nhàng chân ga, chân phanh nhằm kiểm soát tốc độ của xe, trách hiện tượng tăng, giảm ga đột ngột gây bất ngờ cho các phương tiện khác.
Trong trường hợp đi vào tuyến đường đông, cần phải di chuyển chậm, nên chú ý giữ khoảng cách phù hợp với các xe đi phía trước để tránh va chạm. Thực tế, việc giữ khoảng cách khi điều khiển ô tô lưu thông trong phố là thử thách đối với các tay lái mới do không tự tin duy trì tốc độ và chưa kể đến áp lực giao thông.
Chú ý, quan sát vạch kẻ đường bên trái hoặc dải phân cách để canh xe, chừa khoảng trống an toàn cho bên phải, bởi thông thường tầm quan sát ở góc phải của xe bị hạn chế. Khi canh xe, lái xe cần chú ý quan sát gương chiếu hậu, tránh trường hợp có xe khác chen vào gây ra những vụ va quẹt.
Quan sát đèn tín hiệu, không phanh gấp
Tại các ngã 3, ngã 4 có đèn tín hiệu giao thông. Khi đèn xanh chỉ còn dưới 5 giây, cần chủ động giảm tốc độ vì các xe máy đang dừng đèn đỏ có xu hướng sẽ bắt đầu di chuyển khi còn 3 – 4 giây chuyển đèn, nếu cố lướt qua giao thông, chắc chắn xe sẽ bị kẹt lại giữa dòng phương tiện khác đang lưu thông.
Bên cạnh đó, không nên chạy xe nhanh hơn các xe khác khi qua giao lộ, tai nạn có thể ập tới nếu bất ngờ xuất hiện một phương tiện khác vượt đèn đỏ từ phía đường cắt ngang.
Chú ý khi chuyển làn, bật xi nhan sớm
Khi muốn rẽ vào một đường khác, cần tập cho bản thân thói quen xi nhan từ xa. Không nên lại gần đoạn rẽ mới bật xi nhan và đánh lái sang lập tức hoặc dừng đột ngột, việc này sẽ khiến các phương tiện phía sau không phản ứng kịp rất dễ xảy ra tai nạn. Trường hợp, chạy quá đoạn cần rẽ, cần tiếp tục đi thẳng và tìm đường quay lại.
Lái xe nên bình tĩnh, dứt khoát trong thao tác, nhịp nhàng chân ga, chân phanh để tránh gây va chạm.