9h sáng, tại chợ Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội) bà Lan sử dụng chiếc phiếu đầu tiên trong 5 phiếu đi chợ được tổ dân phố phát tận nhà cách đây vài ngày.
Dù bất ngờ với hình thức mới này nhưng vì mong dịch sớm được đẩy lùi, bà nghiêm túc chấp hành: 'Họ nói cách 3 ngày đi một lần nhưng có ghi ngày đâu mình muốn đi ngày nào thì đi, hết phiếu thì thôi. Nhưng trong 15 ngày chỉ được dùng 5 phiếu đấy. Một tuần nay mới đi chợ, dùng cái đầu tiên đấy'.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Khi các chợ đầu mối lớn như Minh Khai (Bắc Từ Liêm), chợ phía Nam (Q.Hoàng Mai) và chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Long Biên (Ba Đình) tạm đóng cửa vì có ca mắc COVID-19, một tiểu thương chợ Tứ Liên cho biết, hàng khó nhập hơn và lượng người đi chợ được kiểm soát, nên các mặt hàng đều bán hết sớm, đặc biệt là rau củ: "Giờ hàng ít hơn họ bán đắt hơn mình cũng bán đắt hơn một chút. Hôm nay các chợ kia cấm có ít rau bán hết thôi. Bình thường mua một bao bắp cải giờ 20 cân thôi. Không có phiếu không được vào. Chợ hết người rồi họ mới về".
Trong khi đó, để thuận tiện cho cả người dân và tiểu thương, nhiều nơi quy định rõ hơn các phiếu ngày chẵn, lẻ theo màu sắc và ghi cụ thể ngày, họ tên người đi chợ. Tùy từng khu vực, thẻ đi chợ sẽ có hiệu lực tại một chợ duy nhất hay các chợ trong địa bàn quận. Chị Phạm Kim Phượng, sống tại quận Đống Đa cho biết: "Khu nhà em thẻ có hiệu lực cả đi chợ và siêu thị. Nếu đã đi chợ thì không đi siêu thị. Em đi chợ mua một lần cho cả một tuần nên phát phiếu đi chợ giảm tải việc tiếp xúc. Người dân có ý thức hơn".
Theo ghi nhận của phóng viên, khởi đầu từ các phường của quận Tây Hồ, đến nay các quận nội thành như: Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa… đều đã áp dụng hình thức đi chợ “tem phiếu”.
Tuy vậy, cho tới ngày 5/8, một số người dân tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm chưa được phát thẻ, dù đã có thông báo, khiến họ băn khoăn: "Chỗ tôi có gần 900 căn hộ nhưng phường phát cho 200 phiếu phân bổ cho từng tòa thì không biết bao giờ tới lượt. Thấy bảo phải đăng ký thông tin, một nhà trong tầng đi hộ các nhà còn lại nhưng bất khả thi. Siêu thị đang nhiều nguy cơ nên rất mong phiếu đi chợ vì thức ăn dần cạn kiệt rồi".
Các chợ truyền thống đều duy trì chốt ngoài cổng kiểm soát, đo thân nhiệt người vào; tạm ngưng hoạt động với các mặt hàng không thiết yếu. Chị Trần Thị Vân Anh, chủ tịch Hội LHPN phường Yên Phụ cho rằng, hình thức đi chợ “tem phiếu” sẽ phát huy hiệu quả trong công tác cách ly, truy vết khi cần thiết.
"Vì thói quen của bà con nên lúc đầu hơi bất tiện nhưng đa phần dân đều ủng hộ. Chủ động cho tiểu thương để biết lượng người bao nhiêu chuẩn bị thực phẩm. Tình hình phức tạp hơn vẫn có thể áp dụng được. Trên thẻ đầy đủ họ tên người đi chợ, cuối giờ chiều lập danh sách lưu giữ nếu cần truy vết dịch tễ sẽ dễ hơn", chị Vân Anh cho biết.
Tuy vậy, đa số các phường đều chưa kiểm soát chặt chẽ thông tin trên “tem phiếu” với thông tin thực của người đi chợ. Vẫn chưa có mẫu phiếu chung thống nhất cho toàn thành phố, cách sử dụng cũng mỗi nơi mỗi khác.
Trong khi chờ phát phiếu lần đầu, người dân một số nơi chưa được hướng dẫn kịp thời, nên không rõ có được tiếp tục đi chợ hay không, dẫn đến cảnh: tủ thì cạn, mà phiếu thì chưa tới.