Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1777 kèm theo hướng dẫn về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Giai đoạn thí điểm từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021.
Đón nhận thông tin này, ông Lê Anh Dũng, Giám đốc doanh nghiệp vận tải hành khách Hà Sơn – Hải Vân (Lào Cai) cho biết, hơn 2 tháng Hà Nội thực hiện dừng hoạt động vận tải, doanh nghiệp phải đóng cửa toàn bộ, do vậy, khi thông tin về việc ngành GTVT cho phép vận tải hành khách hoạt động trở lại, ông Dũng rất vui mừng:
"Đối với anh em người lao động thì chỉ đợi quyết định của Ban lãnh đạo là khôi phục các hoạt động trở lại theo lộ trình dần dần, tại vì khi các tỉnh, thành lên phương án để vận tải hành khách tuyến cố định hoạt động trở lại thì kèm với đó là các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng chống dịch".
Ông Trần Văn Long, Phó giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên cho hay, ngoài 3 tuyến đã khôi phục hoạt động vận tải từ 29/9, đến nay, Sở GTVT Thái Nguyên đang hướng dẫn các đơn vị vận tải khôi phục hoạt động vận tải đi toàn bộ các địa phương khác. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người dân, kể cả đội ngũ lái xe, phụ xe cũng chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế để được phép hoạt động vận tải:
"Theo quy định thì các tiêu chí để được đi lại thì Thái Nguyên cũng còn nhiều người chưa tiêm vaccine nhưng cũng trong 1-2 ngày tới sẽ có văn bản hướng dẫn để người ta phối hợp với bên y tế làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, không hạn chế những rào cản không cần thiết".
Tại Hải Phòng, dù đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc COVID mới, song việc khôi phục vận tải hành khách vẫn được Hải Phòng thực hiện khá thận trọng. Đối với vận tải hàng không, Hải Phòng đã đồng ý tiếp nhận hành khách các chuyến bay thương mại nội địa về Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.
Ông Vũ Duy Tùng, giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho hay:
"Phòng chống dịch thì Chủ tịch tỉnh làm trưởng Ban Chỉ đạo nên cái đó đương nhiên phải báo cáo báo cáo Chủ tịch UBND các tỉnh. Các tỉnh cũng mong muốn nhiều hơn, nhưng cái này phải thống nhất với 2 đầu tỉnh, phải hết sức thận trọng vì đang giữ dịch rất tốt".
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, quyết định của Bộ GTVT đã cụ thể hóa quy định tạm thời về việc khôi phục hoạt động vận tải hành khách mà trước kia một số tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao chưa thực hiện được.
Theo ông Quyền, đây là yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước bởi không chỉ yêu cầu thực hiện tốt công tác phòng chống dịch mà cả về phục hồi, đảm bảo các hoạt động dân sinh:
"Để triển khai thực hiện những cái đó, ở các đầu mối giao thông, ở các bến xe là các Sở Giao thông, rồi Sở Y tế phải phối hợp chặt chẽ để tổ chức việc kiểm soát các điều kiện của hành khách, có đủ điều kiện để tham gia các phương tiện giao thông công cộng hay không, các tuyến vận tải khách theo tuyến cố định đi các tỉnh hay không".
Chia sẻ với những khó khăn với các địa phương khi mở cửa đối với các lĩnh vực vận tải, song ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, các địa phương cần có sự linh hoạt theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vận tải và hành khách: "Trước đây mình cố gắng một thì tới đây công việc phát sinh nhiều hơn, thì các địa phương, Bộ ngành phải có sự chủ động để theo tình thế diễn biến để cố gắng quản lý chứ không phải đưa ra những hình thức cứng nhắc, thì nó sẽ bị rào cản, không thể thực hiện được".
Tại phiên họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, từng bước nới lỏng, mở cửa đối với các hoạt động đi lại, giao thông, sản xuất, giáo dục, du lịch, dịch vụ với lộ trình cụ thể, khả thi: "
Thống nhất trên toàn quốc về lưu thông giao thông vận tải, cả hàng không ,cả đường sắt, cả đường thủy là phải có sự thống nhất, phải có sự điều tiết của Chính phủ. Tôi đề nghị không có ban hành các giấy phép con và không cát cứ, không chia cắt, nhưng mà chúng ta làm thận trọng, thí điểm từng tuần 1 mở ra cho nó an toàn, hết một tuần sơ kết lại, làm phải có bước đi có lộ trình".
Việc khôi phục hoạt động vận tải được coi là tiền đề để khôi phục hoạt động sản xuất hoàn toàn. Chỉ khi các địa phương thấy rõ không chỉ là trách nhiệm, mà cả lợi ích của mình thì việc mở cửa đối với vận tải hành khách mới đảm bảo thông suốt, thuận lợi.
Góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận Khi tư tưởng chưa thông
Có rất nhiều lý do khiến các địa phương chưa sẵn sàng cho việc mở cửa đi lại: từ nỗi lo sợ nguy cơ dịch bệnh lây lan khó kiểm soát, cho đến năng lực y tế dự phòng còn yếu, độ phủ vắc xin còn thấp. Thêm vào đó, làn sóng hồi hương vốn đang khiến nhiều địa phương rất đau đầu, không chỉ nguy cơ dịch bệnh trước mắt mà còn là hàng loạt các vấn đề khác để đảm bảo an sinh xã hội.
Áp lực và sự thiếu tự tin khiến cho địa phương dè dặt là điều dễ hiểu. Người dân sốt ruột, doanh nghiệp sốt ruột, và đặc biệt, Chính phủ càng sốt ruột hơn. Bởi chậm mở cửa ngày nào, cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh sẽ bị trôi tuột qua ngày đó. Còn đóng cửa ngày nào, những nỗ lực để bao phủ vắc xin và hiệu quả của kiểm soát dịch bệnh sẽ bị uổng phí ngày đó. Cơ hội để gượng dậy, bật dậy sau quãng thời gian đóng băng vì giãn cách, đang tính bằng từng phút từng giờ.
Trong một nền kinh tế với độ mở ngày càng cao, thì việc “rào” làng, “rào” tỉnh chống dịch không chỉ gây thiệt hại cho một vài doanh nghiệp hay địa phương nào, mà thiệt hại gây ra theo cấp lũy thừa cho cả nền kinh tế, và trực tiếp đến mỗi người dân. Vì thế, mặc dù sự thận trọng là cần thiết, sự lo lắng cũng rất đáng chia sẻ, nhưng đặt trong lợi ích chung, thì đây là lúc cần những những quyết định mạnh dạn, dũng cảm, thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu địa phương, đơn vị.
Mấy ngày qua, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, đã liên tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt về việc phải thống nhất phương án giao thông, không để xảy ra tình trạng phớt lờ các hướng dẫn về chuyên môn y tế, giao thông vận tải, không thể có chuyện “Bộ ngành gọi, địa phương không trả lời”, hoặc thậm chí làm trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Đường bay nội địa đã kích hoạt trở lại, dù ngày đầu còn nhiều bất cập. Phương án vận tải liên tuyến bằng ô tô cũng sẽ thí điểm trong nay mai. Dù muốn hay không và sẵn sàng hay chưa, thì tinh thần quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động của các Bộ ngành cùng nhu cầu bức thiết của đời sống sản xuất đang buộc các địa phương phải “xắn tay áo” hành động, vừa làm vừa đúc kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh, chứ không thể tư duy sợ trách nhiệm, đợi an toàn hẳn mới làm.
Tuy nhiên, cũng giống như câu chuyện “luồng xanh” vận tải, sự thống nhất về chủ trương chưa phải là điều kiện đủ để đảm bảo cho hoạt động giao thông diễn ra trơn tru, thông suốt. Chỉ cần sự khác biệt giữa một bên là test nhanh kháng nguyên và một bên là xét nghiệm PCR, mức độ sẵn sàng của hành khách đã khác. Chỉ cần “thòng” thêm một yêu cầu cách ly tập trung hoặc cách ly khách sạn 4 sao, 5 sao suốt tuần, theo danh mục mà địa phương gợi ý, các mong muốn giao thương của doanh nghiệp và người dân có thể bị triệt tiêu.
Địa phương nếu chưa thực sự “thông” về tư tưởng, sẽ có nhiều cách khác nhau để dựng lên các hàng rào kỹ thuật. Liên bộ Giao thông, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã mất hàng tháng trời để giải quyết các vướng mắc này nhằm thông suốt luồng xanh. Quãng thời gian đó đủ bằng một nhịp phục hồi giữa hai làn sóng dịch.
Vì thế, thống nhất về chủ trương và tinh thần chỉ đạo đã là rất quan trọng. Nhưng thống nhất trong quá trình hành động mới là then chốt, quyết định hiệu quả mở cửa trở lại các hoạt động giao thông. Chính phủ đã giao cho các cơ quan chuyên ngành như Giao thông, Y tế giám sát việc thực hiện của các địa phương, đơn vị, xử lý trong thẩm quyền và báo cáo Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền để có biện pháp kịp thời. Sự phân công cụ thể này là động thái “trao quyền” quan trọng để tăng chủ động cho các bộ ngành, không lặp lại kịch bản tương tự như câu chuyện “luồng xanh”.
Song, quá trình tổ chức thực hiện sẽ chỉ thực sự thông suốt, hiệu quả khi bản thân các địa phương thấy lợi ích gắn với trách nhiệm của mình trong đó, khi họ có câu trả lời mạch lạc để xóa đi các nỗi sợ trách nhiệm của mình. Muốn vậy, các hướng dẫn chuyên ngành cũng cần phải sát thực tế. Các tiêu chí để đánh giá mức độ dịch bệnh sẽ cần sát thực hơn, thay vì đánh giá bằng số ca bệnh, tỉ lệ giường bệnh, số máy móc vật tư y tế dự phòng… Bên cạnh đó, các kịch bản phục hồi sản xuất kinh doanh đưa ra cũng cần có mức độ bao quát rộng hơn, để không địa phương nào thấy mình “đứng ngoài” trong đại cuộc chung của đất nước.