Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Như VOVGT đã đưa tin, sau lần điều chỉnh giá xăng hôm 11/10, chiều 26/10, Liên Bộ Tài chính Bộ công thương công bố điều chỉnh giá xăng tăng gần 1.500 đồng/lít, lên mức 23.110 đồng một lít đối với xăng E5 RON92 và 24.338 đồng/lít đối với xăng RON95-III. Chị Mai Trang ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội lo ngại về việc giá xăng tăng có thể kéo giá các mặt hàng khác tăng theo:
Hiện tại giá các mặt hàng tăng rồi, giá thịt tăng nhích lên rồi, giá rau rất là cao. Người ta cũng nói chung quy mọi thứ tăng nên hàng của họ tăng. Mặc dù đi xe không nhiều nhưng mỗi lần ra bơm xăng là mình cũng băn khoăn một chút, mọi thứ cũng bị ảnh hưởng theo.
Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, giá nhập vào của đa số các mặt hàng đều tăng, thậm chí theo từng tuần. Ngay cả giá bim bim, các loại snack ăn vặt, bánh kẹo, nước mắm…cũng tăng, trong đó tăng mạnh nhất là dầu ăn:
Dầu Simply, và tất cả các loại dầu ăn tăng liên tục. Ngày trước vài ba tháng, nửa năm không lên, nhưng bây giờ cứ lên liên tục luôn. Ngày xưa dầu Simly chỉ 210.000 đ/ can 5 lít nhưng bây giờ tăng lên 260.000 đồng/ can. Đắt mà có lúc không có dầu mà lấy. Giá cà phê cũng tăng, trước bán ra 40.000 giờ nhập vào 40.000 đồng.
Theo các nhân viên giao hàng, giá các mặt hàng tăng được điều chỉnh theo giá vận chuyển hàng hóa khi giá xăng tăng. Bà Hồng cho biết, ngay cả các chương trình khuyến mại, tặng quà của các hãng thực phẩm năm nay cũng bị cắt giảm, khiến lượng tiêu thụ hàng hóa bị chậm vì nhiều người tiêu dùng cũng cắt giảm chi tiêu, do thu nhập bị ảnh hưởng của dịch covid.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội vận tải logistic cho biết, trong thời kỳ dịch bệnh, chi phí logistic đã tăng khoảng 30% so với thời kỳ trước dịch do phát sinh thêm chi phí xét nghiệm, cách ly chi phí cho doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và thiếu lái xe. Theo ông Hiệp, giá xăng tăng cao kỷ lục trong vòng 7 năm chắc chắn tác động mạnh mẽ đến chi phí logistic các doanh nghiệp phải chi trả:
Chi phí xăng dầu chiếm 30% trong chi phí vận tải. Xăng tăng giá vận tải càng tăng nữa. Tôi không hiểu vì sao không sử dụng Quỹ bình ổn. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của toàn xã hội tăng, xuất nhập khẩu tăng. Mức độ sử dụng nhiên liệu trong vận tải logistic tăng, chịu cái này doanh nghiệp rất khổ
Lĩnh vực vận tải hành khách cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh. Dù mới được khôi phục hoạt động trở lại, song nhu cầu đi lại của người dân còn khá thấp, trong khi, chi phí tăng do các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định không được hoạt động đủ số chuyến, đủ tải trọng. Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc công ty cổ phần vận tải Điện Biên cho biết, việc tăng giá xăng liên tục thời gian gần đây chắc chắn tác động đến chi phí vận tải, dù trong giai đoạn thí điểm, các doanh nghiệp chưa điều chỉnh tăng giá nhưng về lâu dài, biện pháp này bắt buộc phải thực hiện:
Việc tăng liên tiếp 2 lần của nhiên liệu chính sẽ tác động rất lớn về mặt bằng chi phí vận tải hành khách tuyến cố định. Việc giá xăng tăng là một động cơ, động lực để trong một thời gian rất ngắn, các doanh nghiệp vận tải phải có sự điều chỉnh giá mới có thể tồn tại được
Giá xăng tăng kỷ lục trong vòng 7 năm chắc chắn sẽ tác động dây chuyền đến giá bán của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trong thời gian tới và có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, tác động trở lại đến các doanh nghiệp. Vào thời điểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang lao đao sau cú “sốc” của dịch COVID, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần sớm tìm các giải pháp để kiểm soát và quản lý giá xăng, hạn chế phần nào những tác động tiêu cực đến sự phục hồi của các doanh nghiệp, đời sống của người dân./.