Tuy nhiên, lực lượng lao động của ngành này vẫn đang phải làm việc trong điều kiện khó khăn, thậm chí là bị bỏ rơi, lang thang trên biển hay mắc kẹt tại các cảng biển mà không thể về nhà. Điều đáng lo ngại là tình trạng này đang có xu hướng gia tăng.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Tàu hàng ALI BEY, số hiệu IMO 9070515 là một trong số nhiều tàu hàng bị bỏ rơi từ nhiều tháng nay. Con tàu hiện đang mắc kẹt tại cảng Constanza, Romania kể từ ngày 30/11/2020 cho tới nay. 4 thuyền viên trên tàu phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn.
Cung cấp thông tin cho tổ chức Quyền con người trên biển của Anh, thuyền trưởng Abdulla Dahha cho biết họ phải vừa tìm cách sinh tồn, vừa phải đấu tranh, thương lượng với chủ quản để dành được số tiền lương đáng lẽ họ phải được nhận là 186 nghìn đô-la Mỹ:
“Công ty chủ quản đang cố ép chúng tôi phải nhận khoản tiền lương ít hơn rất nhiều so với con số ban đầu. Họ cử đại diện lên tàu, cố gắng thương lượng chúng tôi chỉ nhận khoảng 60% tiền lương. Tình hình hiện vô cùng khó khăn, chúng tôi không thể về nhà. Cuộc sống tại đây thì như bị cầm tù vậy”.
Một trường hợp khác phải kể đến con tàu tên Ula bị mắc kẹt tới 2 năm tại cảng Shuaiba, nhà nước Kuwait. Theo Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF), 19 trên tổng số 25 thuyền viên bị chủ sở hữu của họ ngừng trả lương, không cung cấp nhu yếu phẩm kể từ năm 2019. Các thuyền viên gần như bị bỏ rơi hoàn toàn cho đến khi ITF cũng như giới truyền thông phát hiện vào tháng Giêng năm nay. Trước áp lực của truyền thông, chính quyền Kuwait đã phải đưa các thuyền viên trở về nhà vào tháng 6 vừa qua, nhưng tiền lương của họ vẫn chưa được trả.
Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Hàng hải Quốc tế IMO, hiện đang có sự gia tăng đáng kể về số trường hợp tàu hàng, thuyền viên bị chủ bỏ rơi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cụ thể, IMO ghi nhận 111 trường hợp mới, trong đó 85 trường hợp trong năm 2020, gấp đôi so với năm 2019 và thêm 26 trường hợp tính tới tháng 4 năm 2021. Kể từ sau tháng 4, IMO cũng ghi nhận thêm 27 trường hợp. Nhưng cho đến nay mới chỉ có thể giải quyết 46 trên tổng số đó. Ước tính của IMO cho thấy có trên 1.300 thuyền viên đang bị ảnh hưởng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tàu hàng bị bỏ rơi, theo ông David Heindel, chuyên gia hàng hải của Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế: “Có rất nhiều lí do dẫn đến việc một tàu hàng bị bỏ rơi. Có thể là hành vi cố ý của các công ty để trục lợi. Hoặc do công ty chủ quản phá sản, dẫn đến việc con tàu bị tạm giữ bởi lực lượng chức năng hoặc chủ nợ.”
Bên cạnh đó, sự gián đoạn thương mại do dịch bệnh cùng tính cạnh tranh khốc liệt của ngành vận tải biển cũng góp phần gia tăng tình trạng vừa nêu. Theo công ty đầu tư Blue Alpha Capital có trụ sở tại New York, Mỹ, nhiều công ty vận tải lớn đã ghi nhận nguồn thu kỷ lục trong 3 tháng cuối năm 2020. Các công ty này sau đó đã gây khó dễ, tìm cách “nuốt chửng” các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Chịu áp lực lớn, một số công ty chọn cách bỏ tàu, hoặc bán đi với giá rẻ mạt, nhưng thời gian hoàn thành giao dịch lại mất nhiều thời gian, việc đi lại khó khăn do dịch bệnh khiến người mua, chủ ngân hàng, thanh tra hoặc tòa án khó có thể đến kiểm tra tàu hàng để hoàn thành giao dịch.
Trong bối cảnh đó, các thuyền viên là người thiệt thòi nhất khi họ vô tình mắc kẹt giữa một mớ bòng bong, chật vật tìm cách sống qua ngày với hy vọng sẽ được trả lương và có thể về nhà. Ông Stephen Cotton, Tổng thư ký của Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế chia sẻ:
“Có thể nói, mỗi tàu hàng là một không gian, môi trường độc lập, những người trong đó phải tìm cách duy trì cuộc sống. Khi tàu hàng bị bỏ rơi, môi trường đó bị ảnh hưởng, cuộc sống của các thuyền viên trở nên hết sức khó khăn nhất là khi tàu không còn đủ nguyên liệu. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải tự đối mặt với sự khắc nghiệt của tự nhiên. Và cả thực phẩm, chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp thủy thủ phải tự săn bắt cá để có thức ăn sống qua ngày”.
Hiện Trung Quốc, Indonesia, Philippines – các quốc gia có số lượng người đi biển lớn đang đề xuất thành lập một quỹ khẩn cấp dành riêng cho việc hỗ trợ những người đi biển bị bỏ rơi.
Trong khi đó, Ủy ban pháp lý của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO đang đề xuất soạn thảo một đề cương bao gồm các khuôn khổ pháp lý, trách nhiệm và thủ tục của ban điều hành cảng, chính quyền và các bên liên quan trong việc hỗ trợ người đi biển.