Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trước đó, để rút ngắn thời gian bàn giao đưa dự án vào khai thác, từ đầu tháng 4/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) - đại diện chủ đầu tư và Công ty Metro Hà Nội (đơn vị vận hành tàu của Hà Nội) đã hoàn thành bàn giao hồ sơ tài liệu, kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường.
Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã thống nhất chủ trương về kế hoạch bàn giao, tiếp nhận dự án, gồm cả khoản nợ theo cơ chế tài chính của dự án (Hà Nội nhận nợ).
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, công tác rà soát, chuẩn bị nhân lực, điều kiện đảm bảo vận hành thực tế và các phương án xử lý các tình huống có thể phát sinh trong quá trình khai thác đang được triển khai nhanh chóng. Đồng thời đơn vị cũng đã rà soát tất cả điều kiện, kết nối dịch vụ vận tải hành khách công cộng khác nhằm đảm bảo cung cấp, giải tòa hành khách tại các nhà ga đặc biệt nhà ga Cát Linh:
"Trong nhiều tháng qua, UBND TP. Hà Nội đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ GTVT để chuẩn bị các điều kiện cần thiết về phía Hà Nội, và đến nay theo đánh giá của chúng tôi về phía Hà Nội đã cơ bản chuẩn bị xong các điều kiện để sau khi tiếp nhận có thể đưa vào vận hành khai thác".
Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, toàn bộ nhân sự vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã sẵn sàng vào vị trí để vận hành theo kế hoạch. Việc vận hành năm đầu tiên được xây dựng trên cơ sở chủ đầu tư phối hợp với đơn vị vận hành báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Thời gian vận hành giai đoạn đầu còn có các chuyên gia bảo hành của nhà sản xuất và chuyên gia tư vấn hỗ trợ quản lý vận hành của Công ty hỗ trợ, hướng dẫn để tăng cường tính thuần thục của đội ngũ nhân sự vận hành tuyến.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, ngay sau kết quả nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Bộ GTVT sẽ chuyển giao cho TP. Hà Nội để tổ chức khai thác:
"Trách nhiệm của Bộ GTVT vẫn phải có trách nhiệm trong giai đoạn đầu của dự án với việc theo dõi tiếp tục giai đoạn đầu của hệ thống, đánh giá an toàn của hệ thống giai đoạn tiếp theo. Thứ 2 là trách nhiệm bảo hành công trình và phối hợp với Hà Nội trong tổ chức chạy tàu. Đó là nội dung Bộ GTVT sẽ triển khai trong thời gian tới và khi bàn giao thì Hà Nội sẽ tổ chức chạy luôn".
Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, việc Hội đồng nghiệm thu chính thức nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đồng là tín hiệu tốt cho việc đưa dự án vào khai thác thương mại. Tuy vậy, trước mắt có một số khuyến cáo cần thực hiện … Thứ 2, đây là thách thức, những cũng là thời cơ khi bắt đầu một phương thức giao thông mới, và đưa văn hóa giao thông đường sắt đô thị vào:
"Ngay giai đoạn này chúng ta đưa ngay vào, tức là khi người ta lên tàu thì xếp hàng như thế nào, ra vào trật tự ra sao, ngồi trên tàu, lúc xuống như thế nào, tất cả những cái đó bên tổ chức vận hành họ tổ chức được cái đó ngay buổi đầu tiên thì người ta sẽ thấy cái tổ chức này rất khoa học, văn minh, từ đó họ sẽ làm theo như thế".
Tuy vậy, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là hồ sơ quy trình đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ giao thông công cộng chưa được nhắc đến trong suốt quá trình vừa qua. Đây cũng là một trong 16 khuyến cáo của đơn vị tư vấn Pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng hồ sơ theo dõi an toàn:
"Trước khi tàu chạy phải có công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho đường sắt đấy, gọi là bên thứ 3 chịu trách nhiệm. Thế thì như tất cả các loại vé tàu, vé xe khác, trong vé phải in chữ bảo hiểm, bởi vì trong chữ bảo hiểm đó thì người ta sẽ chất vấn ai sẽ bán bảo hiểm. Và người bán bảo hiểm đó người ta sẽ cung cấp và người ta sẽ giám sát chất lượng an toàn của đoàn tàu này".
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cũng cho rằng, về mặt kỹ thuật, khi đã được nghiệm thu Nhà nước, về kỹ thuật sẽ không có vấn đề gì lớn. Song về vận hành cần đặc biệt lưu ý, việc đánh giá an toàn của hệ thống, đưa ra những khuyến cáo về rủi ro khi vận hành khai thác. Đây thực chất là tạo dữ liệu đầu vào, phục vụ cho công tác quản lý rủi ro và hệ thống quản lý an toàn. Do đó, Bộ GTVT cần xem xét các vấn đề rủi ro để nhanh chóng khắc phục, sớm đưa dự án vào khai thác:
"Qua việc tư vấn đã ban hành chứng nhận an toàn, điều đó chứng tỏ những rủi ro lớn đã được giải quyết. Còn những khuyến nghị mang tính chất rủi ro nhỏ thì trong quá trình vận hành, với những lưu ý cần thiết thì chúng ta ghi nhận và có những biện pháp ứng phó, giải quyết thích hợp để triệt tiêu những rủi ro đó"
Sau khi được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chính thức nghiệm thu, dư luận cũng mong mỏi dự án này sớm đưa vào khai thác thương mại. Song, để tạo sự yên tâm cho người dân, cho hành khách, các bên liên quan cần sớm công khai các vướng mắc của đơn vị tư vấn, những tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn áp dụng cho dự án, tạo sự yên tâm cho sự người sử dụng.
Góc nhìn này của VOVGT qua bình luận: Bảo hiểm cho niềm tin
Việc chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phải bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho Hà Nội chậm nhất ngày 10/11 để khai thác thương mại là một động thái quyết liệt, nhằm chấm dứt sự lỗi hẹn triền miên dẫn đến mất niềm tin nghiêm trọng trong nhiều năm qua.
Điều mà người dân quan tâm nhất lúc này, là sau khi được nghiệm thu, tàu điện trên cao sẽ vận hành ra sao? Vấn đề an toàn được đảm bảo thế nào? Nó có đủ thuận lợi để người dân lựa chọn thay cho phương tiện giao thông cá nhân?
Trong số khoảng 100 ý kiến bình luận, chia sẻ với Fanpage VOVGT tính đến ngày 1/11 xung quanh thông tin về việc Bộ Xây dựng chấp thuận đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư, để đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu, có hàng chục ý kiến đặt ra xung quanh chuyện an toàn. Thậm chí, không ít người đặt vấn đề, bảo hiểm ra sao cho hành khách khi đi bằng phương tiện này?
Đó là câu hỏi chính đáng và cần được trả lời một cách đầy đủ, công khai bằng các cứ liệu khoa học. Vì trước đó, đã có những vấn đề xuất hiện trong quá trình nghiệm thu an toàn của công trình, dù có thể chỉ là do sự vênh nhau của bộ tiêu chuẩn an toàn, nhưng vẫn khiến người dân không khỏi băn khoăn.
Vậy với việc nghiệm thu lần này, cụ thể các tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn được đánh giá và phê duyệt ra sao? Hệ số an toàn công trình như thế nào? Việc minh bạch các thông tin này sẽ quyết định đến lựa chọn của người dân có sử dụng đường sắt trên cao để di chuyển hay không.
Yếu tố thứ hai quyết định tương lai của Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thực sự là một tuyến metro đúng nghĩa không, hay chỉ là phiên bản BRT 01 trên cao, đó là khả năng kết nối. BRT 01, dù xe mới rộng rãi hiện đại, và cứ cho là chạy nhanh hơn buýt truyền thống như các báo cáo đã đưa ra, thì duốt 5 năm qua vẫn chỉ chủ yếu phục vụ những người có cùng lộ trình, cùng điểm đầu cuối, cũng chỉ vì khiếm khuyết trong kết nối.
Các vấn đề đó sẽ được giải quyết ra sao với đường sắt đô thị tuyến 2A này, để nó thực sự trở thành “xương sống” trên trục giao thông từ phía Tây Nam vào trung tâm? Người dân không thể không đặt câu hỏi, bởi hiện nay việc kết nối trên đoạn tuyến Trần Phú – Nguyễn Trãi khá ổn, nhưng ở khu vực các nhà ga Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, mặt bằng hai bên chật chội, triển vọng để bố trí các hạ tầng kết nối với tàu trên cao không thực sự dễ dàng.
Để có thể thu phí vào nội đô từ khoảng 2025 như dự kiến, giao thông công cộng Hà Nội sẽ phải đáp ứng được ít nhất 30 đến 35% nhu cầu đi lại của người dân, tức là gấp đôi mức hiện tại, chỉ trong vòng 4 năm nữa. Trong bối cảnh BRT 01 vẫn chưa rõ hướng đi để giải quyết khiếm khuyết, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ càng phải gồng gánh trách nhiệm nặng nề hơn.
Vì thế, không phải là sự động viên hô hào, hay những chính sách miễn giảm giá vé, mà cái người dân cần là một lý do đủ thuyết phục để sử dụng tàu điện trên cao làm phương tiện đi lại thay cho xe cá nhân. Một sự bảo hiểm cho an toàn đi lại, một sự bảo đảm cho các kết nối thông suốt không bị ngắt quãng.
Và trên hết, là sự bảo hiểm cho niềm tin của người dân vốn đã rất khó khăn để giữ lại trong suốt hơn 12 năm chờ đợi.