Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Chất lượng dịch vụ (ISE), thuộc Đại học Quản lý Singapore mới đây cho thấy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số người đi làm chuyển sang sử dụng taxi và thuê xe cá nhân ngày càng tăng cao. Trong khi mức độ hài lòng đối với giao thông công cộng có dấu hiệu giảm sút.
Trên 61% trong số 2.350 người được hỏi cho biết, cách thức đi làm của họ đã thay đổi từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Gần 25% khẳng định ít đi tàu điện ngầm hơn, trong khi con số này ở xe buýt là 18%. Mức độ chấp nhận của hành khách đối với tăng vé tàu điện ngầm và xe buýt giảm từ 9,9% vào năm ngoái, xuống 8,2% trong năm nay. Ngược lại, gần 16% cho biết, họ đang phụ thuộc nhiều hơn vào taxi và thuê xe cá nhân từ các dịch vụ gọi xe như Grab hay Gojek để đi làm.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Singapore e ngại sử dụng giao thông công cộng là do thời gian qua liên tục bùng phát các cụm lây nhiễm dịch tại nhà ga xe buýt. Đầu tháng 9/2021, ít nhất 314 trường hợp nhiễm COVID-19 được phát hiện tại 8 bến xe.
Tiến sĩ Leong Hoe Nam tới từ Phòng khám Rophi cho rằng, vấn đề cần được điều tra kỹ lưỡng đồng thời thắt chặt biện pháp phòng dịch tại các điểm trung chuyển này: “Đó là khu vực nghỉ ngơi, mọi người thường giao tiếp, nói chuyện. Ngoài ra, khu vực chờ có nhà vệ sinh, nơi họ tháo khẩu trang và rửa mặt cũng có thể là nơi ô nhiễm nhất”.
Theo Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore, 99% trong tổng số 9.500 tài xế xe buýt đã tiêm 1 liều vaccine ngừa COVID-19.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Terence Fan, chuyên gia giao thông tới từ Trường Kinh tế Lee Kong Chian cho rằng, để giảm thiểu rủi ro cần lắp thêm các tấm kính cường lực xung quanh ghế lái xe buýt. Bên cạnh đó, tăng tần xuất xét nghiệm đối với lái xe cho đến khi làn sóng lây nhiễm lắng xuống.
Chia sẻ quan điểm trên, Giáo sư Alex Cook, phó Trưởng khoa nghiên cứu thuộc Trường Y tế công cộng Singapore bày tỏ: “Theo tôi các tài xế là lực lượng trên tuyến đầu. Bản thân họ tiếp xúc với rất nhiều hành khách và cả tài xế khác, điều này có thế dẫn tới các cụm siêu lây nhiễm. Tuy nhiên, với những hành khách đã tiêm phòng đầy đủ, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay ngay sau khi xuống xe thì rủi ro lây nhiễm sẽ là khá thấp”
Bà Neeta Lachmandas, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chất lượng dịch vụ (ISE) nhận định, lượng khách sử dụng taxi và ứng dụng gọi xe tăng lên thời gian qua có nhiều lý do. Một trong những nguyên nhân là nhiều người tin rằng phương tiện cá nhân có thể giảm nguy cơ phơi nhiễm COVID-19.
Để trấn an và khôi phục niềm tin của hành khách đối với giao thông công cộng, ngành chức năng Singapore đang đưa ra hàng loạt giải pháp. Đích thân Bộ trưởng Giao thông, S. Iswaran mới đây cho biết, hiện chưa có bằng chứng cho thấy các cụm COVID-19 tại bến xe buýt dẫn tới việc lây lan virut cho người đi làm. Ông Iswaran khẳng định, Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore sẽ làm việc với các nhà điều hành giao thông công cộng để thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách.
Bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Leong Hoe Nam chia sẻ: “Tôi nghĩ giao thông công cộng vẫn là phương tiện an toàn. Điều quan trọng là hành khách phải đeo khẩu trang thường xuyên, trao đổi ngắn gọn và tốt nhất là không trò chuyện trên xe buýt, tàu điện ngầm. Đây là cách bảo vệ chính họ và những người xung quanh”.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải Singapore cho hay, ưu tiên hiện nay là đảm bảo an toàn cho cả nhân viên vận tải, hành khách và hệ thống giao thông công cộng tiếp tục hoạt động.
Một số biện pháp mới để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đang được Cơ quan giao thông đường bộ triển khai như tách biệt khu vực ăn uống, nghỉ ngơi của nhân viên xe buýt tại các bến xe. Bên cạnh đó, nhằm phát hiện và xử lý nhanh các trường hợp nhiễm bệnh, tài xế xe buýt và nhân viên quầy dịch vụ tại bến sẽ phải xét nghiệm định kỳ ít nhất 1 lần mỗi tuần.
Về phía hành khách, Nirmal Kishore, 23 tuổi người vẫn thường xuyên phải di chuyển bằng xe buýt cho biết, anh cố gắng không chạm vào bất kỳ bề mặt nào trên xe, kể cả tay nắm thăng bằng để phòng trường hợp chúng bị ô nhiễm. Kishore tin rằng, mình đã tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên đeo khẩu trang và sát khuẩn ngay khi xuống xe nên nguy cơ lây nhiễm là không đáng lo ngại.
Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội mới đây kiến nghị cho xe buýt được hoạt động trở lại từ tháng 10/2021. Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị quán triệt chỉ thị của UBND TP, tiếp tục dừng xe buýt.
Trong khi đó, sau gần 4 tháng tạm ngưng vì dịch COVID-19, những chuyến xe buýt đầu tiên tại TP.HCM đã hoạt động trở lại vào ngày 5/10 khi đảm bảo các tiêu chí về phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải.
Trong đó, người lái xe buýt, nhân viên đi cùng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày hoặc có xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 còn hiệu lực. Đồng thời luôn thực hiện nguyên tắc 5K, nhắc nhở hành khách tuân thủ quy định về phòng dịch.